Từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm, khu rừng nhiệt đới Western Ghats ở Ấn Độ phát ra ánh sáng màu xanh nhạt vô cùng độc đáo và kỳ lạ. Khu rừng nằm trong khu bảo tồn hoang dã Bhimshankar ở bang Maharashtra, cách thành phố Mumbai khoảng 100km về phía Đông.
Western Ghats là một trong 8 khu sinh học đa dạng nhất thế giới và là một trong những khu rừng nhiệt đới phong phú nhất hành tinh với nhiều loài động thực vật. Trải dài trên 1.600km, khu rừng là nơi cư ngụ của các loài hổ, báo, báo đen và số lượng voi châu Á lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất thu hút khách du lịch đến với Western Ghats đó là khu rừng có thể phát sáng kỳ lạ.
Vào mùa mưa, từ tháng 6 đến tháng 10, khu rừng phát ra ánh sáng màu xanh lá cây nhạt. Theo các nhà khoa học, nguyên nhân tạo nên hiện tượng lạ lùng này là do một loài nấm phát quang sinh học sống trên vỏ cây, cành cây mục nát trong rừng này. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ có thể nhìn thấy ở một vài khoảnh đất trong cả khu rừng, đặc biệt là ở khu vực thuộc bang Maharashtra và Goa.
Trong khi vùng biển phát quang sinh học và sinh vật biển phát quang khá phổ biến thì hiện tượng phát quang trên đất liền lại hiếm hoi hơn. Chỉ có 2 loài được biết đến nhiều nhất là đom đóm và sâu.
Có 100.000 loài nấm phát quang nhưng chỉ có 70 loài có kích cỡ đủ lớn mới có thể nhận thấy bằng mắt thường. Các loài nấm phát quang ở Western Ghats thuộc về chi Mycena – một nhóm nấm nhỏ trông giống như rêu và các nhà khoa học vẫn không biết lý do tại sao chúng lại phát sáng.